Học tập hiệu quả

Thứ nhất là phải nắm vững lý thuyết. Nắm vững lý thuyết ở đây không phải là nhớ khái niệm, nhớ công thức, nhớ định lý. Nhớ là phải biết tại sao lại có công thức đó, định lý đó? Và chúng dùng để làm gì? Ví dụ các hằng hẳng thức đánh nhớ chẳng qua xuất phát từ quy tắc nhân phân phối (a+b)(c+d) = ac+ad+bc+bd áp dụng nhiều lần. Và chúng giúp chúng ta thực hiện các thao tác khai triển và phân tích ra thừa số một cách nhanh hơn. Còn vì sao chúng ta phải khai triển và phân tích ra thừa số? Ta cũng phải đặt cậu hỏi. Nói chung học là phải luôn đặt câu hỏi.Và các câu hỏi thường gặp nhất là Tại sao? Như thế nào? Để làm gì? Học một kiến thức mới, ta không học một cách riêng lẻ, mà đặt nó trong mối tương quan với các đối tượng, vấn đề khác. Ví dụ với câu hỏi ở trên, ta có thể trả lời là phân tích ra thừa số rất quan trọng trong các bài toán về phân thức, các bài toán về phương trình ...

Thứ hai là phải có một tư duy logic tốt. Phải biết dùng chữ suy ra (tức là các quy tắc suy diễn cơ bản), biết cách áp dụng định lý, công thức, quy tắc, biết phủ định một mệnh đề. Học nói chung và học toán nói riêng là phải biết bắt chước, phải biết nói "bài này giống bài kia, chỉ khác là ...". Tức là phải biết tương tự, biết so sánh, biết đặc biệt hóa, biết tổng quát hóa. Đừng cho là những cái đó là điều gì đó cao siêu, phải người rất giỏi mới làm được. Một bạn nhỏ phát hiện ra rằng tổng hai số lẻ luôn là một số chẵn - đó là bạn ấy đã có tư duy tổng quát rồi đó. Một bạn khác thì nói rằng quy tắc cộng hai phân thức cũng giống giống với quy tắc cộng hai phân số, đó là bạn đã có tư duy tương tự . Có được mấy tư duy này, bạn học sẽ nhàn hơn vì dùng được nhiều kinh nghiệm cũ khi học cái mới, và học được nhiều hơn vì học một cái mà biết thêm nhiều cái. Người ta nói học một biết mười là vậy. Chúng ta cố gắng học một biết hai ba cũng đủ tốt rồi.

Thứ ba là phải có một phong cách học tập cẩn thận, chậm rãi, bài bản. Từ đọc đề, hiểu đề, ghi tóm tắt đến phân tích, lên kế hoạch, thực hiện, trình bày, kiểm tra, đánh giá, nhận xét, rút ra các bài học. Làm kỹ như thế, dĩ nhiên sẽ không có thời gian để làm thật nhiều. Nhưng làm nhiều bài giống nhau để làm gì? Thay vào đó, hãy làm một bài đại diện thật kỹ, rồi các bài còn lại sẽ đượng phân vào nhóm tương tự, và chỉ phân tích những khác biệt (nếu có). Nói tóm lại tôi ủng hộ quan điểm làm bài ít mà kỹ thay vì làm thật nhiều bài tập "cho quen tay". Thêm vào ý này, học sinh hãy cố gắng tự giải từ đầu đến cuối. Tự giải một bài từ đầu đến cuối sẽ tốt hơn rất nhiều so với đọc hay chép lời giải của 10 bài. Cũng vì lý do này, tôi chủ trương ra rất ít bài tập về nhà, thường chỉ là 1,2 bài, cùng lắm là 3, trái với một số thầy cô ra rất nhiều bài tập (tôi đã nhìn thấy tờ bài tập gồm gần 100 phương trình vô tỷ, 100 bất đẳng thức, 100 bài phân tích đa thức ra thừa số, mà toàn bài khó :)). "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", tôi rất thích câu ngạn ngữ đó.

Thôi, cốt yếu thì phải ngắn gọn, tôi chỉ có vài chia sẻ ngắn thế. Mong rằng sẽ giúp ích được chọ các bạn học sinh, sinh viên và quý vị phụ huynh học sinh.

Bài viết cùng danh mục